“The Tribe”: Yêu trong bạo lựcTrọng Thành Áp phích giới thiệu phim The Tribe
Trọng Thành/RFI
Tại Pháp, vừa bắt đầu công chiếu “The Tribe”, phim truyện đầu tay của đạo diễn Ukraina Myroslav Slaboshpytskiy, bộ phim được đánh giá là “một chấn động” tại Liên hoan phim quốc tế Cannes mùa xuân năm nay 2014. “Chưa từng thấy”, “kinh ngạc”, “hoàn toàn thành công”, “ngoại chuẩn”… là những lời mà báo chí Pháp dành để nhận xét về bộ phim.
Bộ phim “
The Tribe” về một trường học cho người câm điếc hoàn toàn do các diễn viên câm điếc thủ vai. Phim không có đối thoại bằng lời, không có phụ đề, không bình luận và không cả nhạc nền. Những hiện thực trực tiếp của cuộc đời dần dần hiện lên, hút mắt người xem qua hành trình của chàng thiếu niên đơn độc Serguei, người vừa mới nhập trường và ngay lập tức đã trở thành nạn nhân của hệ thống mafia nơi đây.
Serguei không có sự lựa chọn khác. Anh ta phải vâng lời, chịu đựng, chấp nhận bị làm nhục, cúi thấp đầu để được tham gia vào băng đảng, mà hoạt động chính của nó là buôn lậu, cướp giật và mại dâm.
Lần lần, việc hạ nhục chấm dứt, Serguei được chấp nhận vào băng nhóm. Đến lượt mình, anh ta cũng hành hạ những kẻ mới đến và tham gia vào các cuộc cướp giật tại các khu vực quanh trường vào ban đêm… Cho đến một ngày, khi Serguei
được ủy nhiệm làm người dẫn gái cho các tài xế xe tải mỗi đêm. Một trong những cô gái bán dâm – với hy vọng có được cơ hội rời Ukraina sang Châu Âu – oái ăm thay lại chính là người mà Serguei thầm yêu từ ngày đầu. Cuộc nổi loạn bắt đầu, khi Sergueil không chấp nhận cho người mình yêu tiếp tục việc này…
“
The Tribe” là một bộ phim về những người câm điếc, bộ phim của những người câm, nhưng là một bộ phim đầy âm thanh : những tiếng bước chân, tiếng dập cửa, tiếng đập phá cuồng nộ… càng ngày trở nên nổi bật, càng ngày trở nên hung bạo, cùng với những diễn biến của bạo lực dâng dần lên đỉnh điểm… Người xem không thuộc giới khiếm thính hoàn toàn không hiểu nội dung những cuộc đối thoại hết sức sống động giữa những người câm điếc. Với rất nhiều người, có lẽ chẳng cần phải hiểu được những nội dung ấy mới hiểu được câu chuyện đang diễn ra. “
The Tribe” về thế giới mafia ngự trị trong một trường nội trú câm điếc, cũng là bộ phim về một thế hệ trẻ lớn lên cách biệt với thế giới của những người “
có tiếng nói”, với các lề luật riêng của một thế giới không lời, thế giới mafia câm lặng trong phim. Nhưng thế giới ấy cũng cùng các quan hệ sức mạnh, cùng sự nô dịch con người, cùng tinh thần băng đảng như thế giới của những người có giác quan lành lặn.
Vài thông tin thêm về The Tribe : Phim đoạt liền ba giải thưởng trong
Tuần lễ phê bình của Cannes : Giải thưởng Lớn, Giải Fondation Gan và Giải của Nespresso. “
The Tribe” cho thấy một gương mặt mới của điện ảnh Ukraina, quốc gia vừa độc lập trên danh nghĩa từ hơn hai thập niên nay, nhưng phụ thuộc chặt chẽ vào Liên bang Nga không chỉ về chính trị, kinh tế, mà cả về văn hóa. Theo nhiều nhà bình luận, nền điện ảnh Ukraina hầu như vắng bóng các tác giả tiêu biểu, các tác phẩm đáng kể, có tiếng vang quốc tế, cho mãi cho đến những năm gần đây.
“
The Tribe” là một trong hai bộ phim Ukraina tham dự Liên hoan phim quốc tế Cannes, Cùng với bộ phim tài liệu thời sự Ukraina của Sergeï Loznitsa mang tên “
Maidan”, thuật lại những diễn biến của cuộc chính biến lần thứ hai trên quảng trường cùng tên, thủ đô Kiev, mùa đông 2013-2014. Được dàn dựng trong thời gian phong trào Maidan, chỉ cách nơi diễn ra các biến cố lịch sử nói trên ít cây số, “
The Tribe” ("
Племя/Pleyma" trong tiếng Ukraina có nghĩa là “
băng nhóm”) không trực tiếp nói về cách mạng, nhưng những gì trong phim khiến người xem không khỏi nghĩ đến hình ảnh một nước Ukraina, nơi hệ thống cầm quyền kết thành băng đảng, tham nhũng và bạo lực ngự trị, không có đường thoát cho những con người nhỏ bé, bị cả một hệ thống nô dịch và đè bẹp.
Ẩn dụ về một cuộc nổi dậy Nhân dịp phim công chiếu,
chương trình “Điện ảnh thế giới” của RFI có cuộc trò chuyện với đạo diễn Myroslav Slaboshpytskiy.
RFI : Liệu chúng ta có thể nói rằng cái tiểu xã hội của người câm điếc trong phim là một hình ảnh ẩn dụ về xã hội Ukraina nói chung ?Đạo diễn Myroslav Slaboshpytskiy : Trên thực tế, nước chúng tôi đã được xây dựng trên nguyên tắc của một nhóm mafia. Tôi luôn nói mafia không phải chỉ là những người mang vũ khí. Mafia là một phương pháp, một phương tiện mà một xã hội hình thành nên, như “
chủ nghĩa tư bản” hay “
chủ nghĩa xã hội”. Tôi đã có một giấc mơ, quay một bộ phim bằng ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc. Trong cuộc đời mình, tôi thường gặp những người, chắc cũng giống như các vị tại Pháp, những con người trên đường phố đưa cho bạn một thứ gì đó, với tư cách một người câm điếc. Tôi tin rằng những người câm điếc thuộc về cùng một hệ thống, một xã hội chung với chúng ta.
RFI : Như vậy, có nghĩa là phải xem bộ phim của ông như một tiểu xã hội, một thế giới thu nhỏ, một tấm gương phóng đại về xã hội Ukraina ? Myroslav Slaboshpytskiy : Liên quan đến bộ phim của tôi, thật kỳ quặc khi nói như vậy. Nhưng tôi tin rằng tôi đã được ghi nhận như một kỷ lục trong nền điện ảnh. Tại sao điều này là kỳ quặc ? Bởi vì tôi đã viết kịch bản cho bộ phim này ngay từ năm 2011. Mà vào năm 2011, không ai nghĩ rằng sẽ có một cuộc nổi dậy. Tôi đã quay phim này trong cuộc cách mạng vừa qua, nhiều khán giả đã nhìn thấy việc này giống như là một hành động mang tính ẩn dụ. Giống như trong “
Tại phòng chữa bệnh của Bác sĩ Caligari” (Das Cabinet des Dr. Caligari), bộ phim Đức hồi đầu thế kỷ XX, người xem cảm thấy không khí của sự nổi dậy, của khởi nghĩa. Tôi tin rằng trong điện ảnh Ukraina, tôi sẽ còn lại như một nghệ sĩ, một đạo diễn đã biết tạo ra không khí ấy, và biết biến không khí ấy thành một ẩn dụ.
RFI : Bộ phim của ông, xin nhắc lại là được quay bằng ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc, không có phụ đề, tuy nhiên, ngay từ đầu, người xem đã hiểu hết, và quên đi hoàn toàn các diễn viên là những người câm điếc, mà coi họ như “các diễn viên truyền thống khác”, ta tạm gọi như vậy. Liệu có phải ông đã nhận thấy điều này diễn ra thuận lợi ngay từ đầu hay là ông cũng đã lo ngại về sự mạo hiểm có thể nói là hơi điên rồ này ? Myroslav Slaboshpytskiy : Ý tưởng quay một bộ phim bằng ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc đã có ở tôi từ rất lâu rồi. Nhưng tôi đã trải qua một quá trình biên soạn kịch bản lâu dài, quá trình chuẩn bị quay phim. Thoạt tiên khi bắt đầu quay, tôi cảm thấy đây là một ý tưởng vô cùng tự phụ, bởi những gì đã được nói và đã được làm về chủ đề này vốn đã có rất nhiều. Tôi cảm nhận rất nhanh rằng dự án này hoặc sẽ là một thành công lớn, hoặc sẽ là một thất bại đau đớn. Điều này hiển nhiên là rất quan trọng với tôi, vì tôi là tác giả kịch bản. Nhưng điều quan trọng nhất là bộ phim được người xem hiểu.
Vì sao phim không có phụ đề ? RFI : Ông có từng xem các bộ phim câm thời trước ? Những bộ phim đó có mang lại cho ông các cảm hứng về diễn xuất, về công việc đạo diễn, hay hoàn toàn không ?Myroslav Slaboshpytskiy : Cần phải nói rằng, các phim câm trước đây được quay với các máy quay cố định. Tôi đã không xem các bộ phim về những người câm điếc trước đây nhằm lấy cảm hứng, học hỏi phương pháp, hay một điều gì đó. Tất nhiên là tôi đã xem nhiều phim câm ở trường điện ảnh và tôi tham khảo nhiều tài liệu về chủ đề này, đặc biệt khi âm thanh bắt đầu đến với môn điện ảnh. Đối với phim The Tribe, có một sắc thái hết sức quan trọng, điều tạo nên sự khác biệt. Có một quan niệm thẩm mỹ thực sự riêng ở đây khác với bộ phim câm The Artiste. Chúng tôi muốn làm một bộ phim điếc đương đại chứ không phải phim câm hồi trước, nhưng theo kiểu hiện đại.
RFI : Bộ phim của ông không trực tiếp nói về Châu Âu, nhưng Châu Âu hiện hữu ở hàng đầu. Có một tấm bản đồ Châu Âu trong trường nội trú này. Về phần 2 nữ sinh, người giám đốc của trường tìm cách để lấy được cho họ tấm hộ chiếu Schengen. Khát vọng hướng về Châu Âu phản ảnh nguyện vọng của đa số người Ukraina hiện nay, tất nhiên không phải ở vùng ly khai, mà là ở phần còn lại, cụ thể ở Kiev ? Myroslav Slaboshpytskiy : Xã hội Ukraina không ổn định. Vì sau cách mạng, chúng tôi rõ ràng đã bị làm cho dễ tổn thương hơn. Về phần mong muốn được hội nhập vào Châu Âu, quý vị thấy, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến trên Facebook. Nhưng thế hệ trẻ hiện nay không biết đến thời kỳ Liên Xô. Tôi tin rằng giới trẻ có giải pháp : Ukraina là một bộ phận của Châu Âu.
The Tribe thoạt tiên được dàn dựng với các hội thoại bằng ngôn ngữ viết, theo tác giả, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Điện ảnh Pháp
Première (hồi cuối tháng 5/2014), điều mà ít người biết đến. Đạo diễn đã yêu cầu chuyển thể sang ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc và kiểm soát sát sao tính chính xác trong các chuyển dịch ngôn ngữ của diễn viên thông qua một người phiên dịch ngôn ngữ điệu bộ. Nhưng rồi cuối cùng ông đã quyết định không cung cấp lời hội thoại cho khán giả, để mọi người có thể hiểu được những điều các nhân vật đã “nói” với nhau. Một sự thách đố ? Một lối chơi tạo sự khác lạ ?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí L’Express mới đây (báo mạng ngày 01/10/2014), đạo diễn Myroslav Slaboshpytskiy giải thích việc ông quyết định không cung cấp phần phụ đề hội thoại bằng tiếng Ukraina, hay tiếng nước ngoài, là ý định ngay từ lúc ban đầu.
“
Điều cơ bản đối với tôi là, khán giả trong khi không hiểu hoàn toàn những điều mà các nhân vật của tôi nói, nhưng vẫn có được một ý tưởng toàn thể về những gì được kể, giống như trong kịch câm hay môn kịch Nhật Bản Kabuki. The Tribe được quay từ góc nhìn của một người “có thính giác bình thường”, tìm cách chuyển đạt những cảm nhận về những người câm điếc mà họ gặp trên đường phố. Có nhiều lý do để lựa chọn việc bộ phim không có tựa đề, chỉ duy nhất đây không phải là sự lựa chọn để làm dáng. Theo tôi, thậm chí sự vắng mặt của lời thoại được chuyển sang chữ viết cho phép phim tiếp cận được với phần tiềm thức của người xem. Tôi hy vọng rằng The Tribe sẽ quyến rũ hay ám ảnh được khán giả. Đây là quan niệm riêng của tôi về một thứ điện ảnh toàn thể”.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn L’Express, liên quan đến mức độ bạo lực bị đánh giá là rất đậm nét trong phim, đạo diễn The Tribe giải thích ông hy vọng những cảnh bạo lực sẽ đóng vai trò mang lại “
một thứ hiệu ứng bình thông nhau”, ý thức về bạo lực qua những đối diện trực tiếp với những mảng đời bạo lực trên phim, có thể cho phép “
giảm bớt bạo lực trong đời thực”. Myroslav Slaboshpytskiy cũng ngầm so sánh xã hội đương đại với thời Liên bang Xô viết của Staline hay nước Đức Hitler, từng giữ chức “
quán quân về số lượng các bộ phim tiêu khiển nhẹ nhàng” được cung cấp cho công chúng.
Yana Novikova từ Belarusia Nhận xét về bộ phim (báo Le Figaro mạng 30/09/2014), Veronique Poulain, một phụ nữ Pháp có thính giác lành lặn, nhưng có cha mẹ là người khiếm thính, nên nắm vững ngôn ngữ điệu bộ của người câm điếc, cho biết :
“Lời thoại không hề quan trọng, hình ảnh tự nó là đủ. Các phụ đề sẽ làm ô nhiễm bộ phim. Kinh nghiệm mà bộ phim đề nghị với chúng ta là hãy trở thành người điếc trong hai giờ đồng hồ. Thâm nhập vào thế giới nặng trĩu vì im lặng, một thế giới mà hình ảnh là chỗ dựa duy nhất… một thế giới mà mọi ngôn ngữ đều là ngoại ngữ, trừ ngôn ngữ của cơ thể và điệu bộ… Hoan hô và cảm ơn Myroslav Slaboshpytskiy vì bộ phim khác biệt, dấn thân này. Hơi làm người xem khó chịu, nhưng bộ phim gần như là một áng thơ - chính trong sự thể hiện vô cùng hiện thực của nó - một bộ phim sẽ không để ai có thể thờ ơ”.
Một trong những điều khiến người xem không thể thờ ơ với bộ phim là cô gái , trong vai nữ nhân vật chính Anna, nữ sinh bán dâm thuê cho nhóm mafia trong trường để có tiền sang Châu Âu. Yana Novikova không phải là diễn viên chuyên nghiệp, giống như tất cả các diễn viên khác trong một bộ phim mà đạo diễn đã chọn, để thể hiện một tác phẩm điện ảnh sao cho gần nhất với đời thực. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác dành cho L’Express, cũng bằng ngôn ngữ điệu bộ, người con gái sinh ra và lớn lên tại nước láng giềng Belarus kể lại cô đã từng hy vọng được theo học trường sân khấu cho người câm điếc tại Kiev, nhưng không được, vì cô không phải là người Ukraina. Cuối cùng biên giới quốc gia đã không cản được cô gái Belarus nhạy cảm, đầy khát vọng và tài năng trở thành một linh hồn của bộ phim kỳ lạ này. Cánh cửa đã mở ! Và qua cô, cánh cửa cũng mở ra để khán giả đến với một thế giới nơi ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối biến chuyển khôn lường.
The Tribe được công chiếu tại Pháp ít ngày sau Ngày quốc tế thế giới vì những người câm điếc. Pháp là quốc gia đầu tiên nơi The Tribe được chiếu cho công chúng (từ 16 tuổi trở lên). Phim đã được hơn 20 quốc gia mua bản quyền phát hành, theo tác giả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét